Khi những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) gia tăng nhanh chóng, các chủ thể nhà nước và phi nhà nước sẽ ngày càng tìm cách áp dụng nó cho mục đích quân sự. Từ Ukraine đến Dải Gaza, các lực lượng quân sự đều đang áp dụng công nghệ AI theo nhiều cách khác nhau để giành lợi thế trước đối thủ, cả từ hệ thống vũ khí đến không gian mạng.

Mặc dù người ta cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine là một ví dụ điển hình cho thấy sự quay trở lại của tác chiến thông thường, nhưng nó cũng đang thể hiện một cấp độ mới của cuộc chiến công nghệ.

Tương tự như vậy, ở Gaza, Israel cũng đang sử dụng vũ khí và thiết bị quân sự hỗ trợ AI, với lợi thế lớn hơn nhiều so với đối thủ.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine không chỉ diễn ra trên thực địa giữa các lực lượng quân đội 2 bên mà còn diễn ra trên không gian mạng. Các công cụ AI đang nâng cao năng lực của cả hai 2 bên khi mỗi bên tìm kiếm lợi thế chiến lược so với đối phương.

Một trong những ứng dụng chính của AI trong cuộc xung đột này là thu thập và giám sát thông tin tình báo. Máy bay không người lái (UAV) trang bị camera và cảm biến hỗ trợ AI đã được sử dụng rộng rãi cho các nhiệm vụ trinh sát, cung cấp dữ liệu và hình ảnh theo thời gian thực.

Hệ thống AI được đào tạo để nhận biết thiết bị quân sự, hoạt động di chuyển của binh lính và các tài sản chiến lược khác, cho phép người chỉ huy đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu được thu thập. AI đang giúp cả 2 lực lượng quân đội xử lý lượng lớn thông tin về chiến trường – điều vốn là thách thức vô cùng lớn đối với các nhà phân tích quân sự.

Đã có những báo cáo về việc cả 2 bên đang nghiên cứu hoặc sử dụng UAV có mức độ tự động chưa từng thấy. Những chiếc UAV như vậy có thể tự động điều hướng trong các môi trường phức tạp, xác định mục tiêu và thậm chí đánh giá thiệt hại sau các cuộc tấn công. Chúng có thể xác định và tấn công mục tiêu dựa trên các tiêu chí được lập trình sẵn, giúp giảm đáng kể thời gian ra quyết định trong các tình huống chiến đấu.

AI cũng là một yếu tố quan trọng trong khía cạnh mạng của cuộc xung đột. Nga được cho là đã sử dụng AI để hỗ trợ thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào Ukraine. Trong khi đó, Ukraine cũng sử dụng AI để phòng vệ trước các cuộc tấn công mạng. Hệ thống AI có thể phát hiện các mẫu dấu hiệu xâm nhập mạng, tự động ứng phó với các mối đe dọa và thậm chí xác định các lỗ hổng tiềm ẩn tronghệ thốngmạng.

Trong cuộc chiến ở Gaza, Israel cũng sử dụng công nghệ AI. Israel đã sử dụng một hệ thống có tên là “The Gospel”, giúp quân đội nước này xác định các chiến binh [Hamas] và thiết bị của đối phương với mục tiêu giảm thương vong cho dân thường. Hệ thống này thu thập lượng lớn dữ liệu và đưa ra khuyến nghị nhắm mục tiêu.

Ngoài việc xác định mục tiêu, Israel cũng sử dụng AI để lập bản đồ mạng lưới đường hầm của Hamas nhờ các UAV hoạt động dưới lòng đất.

Trước khi AI được sử dụng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như cuộc chiến của Israel ở Gaza, máy bay không người lái tự động đã được sử dụng trong các cuộc tấn công của Azerbaijan vào Armenia vào năm 2021 và điều đó đã đem lại lợi thế đáng kể cho Azerbaijan.

Không gian thông tin trở thành một chiến trường khác trong các cuộc xung đột ngày nay. Ngay cả khi không có khả năng tiên tiến về hệ thống vũ khí, các bên vẫn tìm cách tạo dựng những câu chuyện về một cuộc xung đột.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đầu năm 2022, thông tin diễn biến theo thời gian thực nhanh chóng xuất hiện trên mạng xã hội. Bên cạnh hàng núi bài đăng, còn có những thông tin giả về việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đầu hàng Nga hay Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hòa bình với Ukraine.

Người ta không cần phải sử dụng AI để tạo ra một tác phẩm deepfake, nhưng những tiến bộ trong việc tạo hình ảnh AI đang khiến việc tạo một tác phẩm deepfake trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Chừng nào xung đột còn kéo dài, những hình ảnh và video do AI tạo ra có thể sẽ làm “ô nhiễm” không gian thông tin và bóp méo sự thật.

Sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel và cuộc chiến ngay sau đó của Israel ở Gaza, mạng xã hội cũng trở thành một chiến trường khác trong cuộc xung đột.

Những thông tin sai lệch, bịa đặt và deepfake tràn ngập các nền tảng nhắn tin và mạng xã hội. Những hình ảnh được chỉnh sửa bằng kỹ thuật số mô tả những hành động tàn bạo hoặc các cuộc tấn công quân sự không hề xảy ra trên thực tế. Những loại hình ảnh bị thay đổi như vậy đã bóp méo sự thật và góp phần tạo nên làn sóng cảm xúc bao trùm các xã hội và tác động đến các cá nhân, khiến việc đạt được các giải pháp hòa bình trở nên khó khăn.

Sự hiện diện của các nội dung do AI tạo ra đã dẫn tới bầu không khí bất ổn và hoài nghi trên mạng xã hội khi các sự kiện có thật ngày càng bị nghi ngờ. Môi trường đầy ngờ vực như vậy có thể làm suy yếu việc đưa tin về một cuộc xung đột và sự thật về việc liệu một bên xung đột có phạm tội tàn bạo hay tội ác chiến tranh hay không. Việc sử dụng AI nhằm tạo ra nội dung trực tuyến để sau đó có thể lưu hành rộng rãi sẽ trở thành một thách thức lớn khi trí tuệ nhân tạo không ngừng phát triển.

Ngoài các bên liên quan đến xung đột, các nhóm khác nhau cũng sử dụng thông tin sai lệch và tin giả để hỗ trợ cho bên mà họ ủng hộ. Điều này có thể làm thay đổi bản chất của các cuộc xung đột khi có nhiều bên hơn can dự từ bên ngoài vào một cuộc chiến thực sự.

Các vũ khí do AI điều khiển sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên các chiến trường tương lai là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là nguy cơ AI có thể cách mạng hóa chiến tranh tương tự thuốc súng và bom nguyên tử.

Tại một hội nghị toàn cầu về vũ khí AI tại Vienna (Áo) hồi đầu tháng 5 các nhà phân tích đã nhấn mạnh: “Đây là ‘thời điểm Oppenheimer’ (cha đẻ của bom nguyên tử) của thế hệ chúng ta, khi căng thẳng địa chính trị đe dọa dẫn đến một bước đột phá khoa học lớn trên con đường đầy nguy hiểm cho tương lai của nhân loại”.

Việc sử dụng các hệ thống vũ khí tự động được hỗ trợ bởi AI có khả năng đưa ra các khuyến nghị sống còn dựa trên việc xử lý lượng dữ liệu khổng lồ sẽ làm mờ ranh giới trách nhiệm và đặt ra những tình huống khó xử về mặt đạo đức.

Cộng đồng quốc tế cần phải đạt được sự đồng thuận trong việc quản lý các loại vũ khí như vậy, đảm bảo rằng chúng không hoạt động vượt quá giới hạn kiểm soát của con người.

Năm 2023, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dẫn đầu nỗ lực đưa ra khuôn khổ quốc tế về sử dụng AI trong mục đích quân sự. Đây là bước đầu tiên nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa vì các quốc gia có tiềm lực quân sự lớn mạnh đã không tham gia nỗ lực này.

Như cuộc xung đột ở Ukraine đã cho thấy, các công ty công nghệ đang đóng vai trò ngày càng nổi bật trong quan hệ đối tác với các quốc gia trong cuộc xung đột. Khi xem xét các lựa chọn quản trị toàn cầu trong tương lai xung quanh việc sử dụng AI trong các cuộc xung đột, từ hệ thống vũ khí đến không gian thông tin, cũng cần phải đánh giá và kiểm soát vai trò của các công ty trong các cuộc chiến bên ngoài biên giới quốc gia.

Tác giả: Hoàng Phạm - Trình bày: Kiều Anh

Nguồn: InkStick - Ảnh: Reuters, Getty, KT